Vết nhơ trong lịch sử Canada

Ngày 11 tháng 11 năm 2023


Từ cuối thế kỷ 19, chính phủ Canada cùng Giáo hội Công giáo nước này bắt tay vào thành lập và vận hành một hệ thống các trường nội trú cho trẻ em thổ dân với mục đích đồng hóa người dân bản địa nước này. Ước tính cho đến những năm 1970, chính quyền liên bang đã tách khoảng 150.000 trẻ em người da đỏ ra khỏi vòng tay cha mẹ, để đưa đến các trường nội trú Công giáo La Mã do chính phủ Canada tài trợ. Trong trường, chỉ có hai ngôn ngữ được chấp nhận là tiếng Anh và tiếng Pháp, ngôn ngữ mà những người đứng đầu nhà trường cho là văn minh. Nhưng hầu như tất cả những đứa trẻ mới chân ướt chân ráo đến đây đều không hiểu nổi thứ ngôn ngữ được cho là văn minh này. Tuy vậy chúng buộc phải hiểu và thích nghi thật nhanh bởi một khi bị phát hiện sử dụng thứ ngôn ngữ khác, nhân viên nhà trường sẽ dùng kim tiêm để đâm vào lưỡi chúng, không phải chỉ một mà là nhiều lần. Hoặc giả như vi phạm bất cứ nội quy nào dù là nhỏ nhất, chúng sẽ phải đối mặt với những hình phạt ghê rợn không khác gì thời trung cổ như sốc điện, đốt tay hay bị giam trong lồng.

Mỗi ngày, chúng chỉ được học từ 2 đến 4 tiếng và thời gian còn lại là để làm việc. Vì vậy đến khi 18 tuổi, trình độ của những đứa trẻ này hầu hết chỉ ngang bằng với học sinh lớp 5.

Chính vì bị bóc lột cả về thể xác lẫn tinh thần, học sinh trong trường thường xuyên rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Thậm chí chúng không nhận được bất cứ sự chăm sóc nào khi bị ốm đau hay bệnh tật.

Kể cả khi mùa đông đến, sẽ không có ai chăm lo cho chúng. Bởi tất cả những vật dụng cần thiết, những món quà, những lời động viên tinh thần vô giá từ phía cha mẹ đều vô tình nằm lại trong tay các nữ tu và linh mục trong trường. Những đứa trẻ suy dinh dưỡng thậm chí còn bị bỏ đói và "được" dùng làm "chuột thí nghiệm" để phục vụ cho quá trình nghiên cứu của nhà trường.

Nhưng điều ám ảnh nhất cho đến giờ đối với những đứa trẻ còn may mắn sống sót là quá khứ bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục và các nhân viên trong trường.

Không những hàng ngày phải đối mặt với những con người đáng sợ đó, chúng còn phải cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ đã lạm dụng mình.

Tất cả những điều này nhằm cô lập và tẩy não trẻ em Bắc Mỹ bản địa ra khỏi ảnh hưởng gia đình và bản sắc văn hóa của họ. Mục tiêu là Công giáo hóa trẻ em bản địa và đồng hóa vào "xã hội chính thống", vốn được các chính phủ trước đây của Canada xem là cao cấp hơn. Nhưng rốt cuộc, nhiều em đã bị đối xử tàn tệ về thể xác và tinh thần, suy dinh dưỡng, lâm bệnh, bị bạo hành...

Ủy ban "Sự thật và Hòa giải" trong giai đoạn 2008-2015 của Canada tiến hành điều tra và đưa ra kết luận cho hay, chính quyền nước này tiến hành "một cuộc diệt chủng văn hóa thực sự" từ giữa thế kỷ 19, đặc biệt là từ những năm 1880 đến năm 1996. (Năm 1996 đánh dấu hoàn tất việc đóng cửa các trường nội trú cho trẻ em thổ dân).

Chính phủ Canada thừa nhận có tổng cộng khoảng 4.000 em mất mạng tại 139 trường nội trú Công giáo rải rác trên cả nước. Tuy nhiên,

Đài Radio Canada thậm chí còn cho biết, Ủy ban "Sự thật và Hòa giải" nhận định con số trẻ em thố dân thiệt mạng trên thưc tế rất có thế cao gấp 5-10 lần so với con số trên (khoảng từ

20.000 - 40.000) . Đặc biệt, vào năm 2021,

Canada liên tiếp phát hiện những ngôi mộ tập thể của trẻ em các bộ tộc bản địa được chôn cất từ lâu gần các trường nội trú cũ. Đáng chú ý, trong số đó là vụ phát hiện được hơn 750 ngôi mộ vô danh gần trường nội trú cũ Marieval ở tỉnh Saskatchewan, miền tây nước này.

Sau những phát hiện nói trên, Thủ tướng

Canada Justin Trudeau gọi nạn đồng hóa thổ dân trước kia là sự bất công, kỳ thị, phân biệt đối xử, những sai lầm khủng khiếp của đất nước trong quá khứ, những bài học cần rút ra cho hiện tại và tương lai.  Ông Trudeau yêu cầu khởi tố các tội hình sự và đề nghị Giáo hoàng Francis trực tiếp đến Canada để xin lỗi cộng đồng thổ dân. Vì thế, ngày 1-7-2021 là ngày Quốc khánh Canada nhưng đã bị "bóng tối lịch sử" phủ kín, thay vì vui mừng chào đón thì nhiều nơi treo cờ rủ, nhiều cuộc tuần hành thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng thổ dân Canada được tổ chức.

Ngày 25-7-2022, Giáo hoàng Francis tiến hành chuyến thăm Canada và cử hành thánh lễ lớn đầu tiên tại một sân vận động ở phía tây nước này. Phát biểu trước khoảng 2.000 thủ lĩnh và đại diện các sắc tộc thổ dân từ các tỉnh đổ về Maskwacis, gần Edmonton, Giáo hoàng Francis lên tiếng lấy làm tiếc về sự hợp tác của nhiều thành viên Giáo hội Công giáo với các dự án phá hủy văn hóa và đồng hóa cưỡng bức qua nhiều đời chính phủ thời kỳ đó, dẫn đến sự hình thành hệ thống trường học nội trú Công giáo. Giáo hoàng Francis nói: "Tôi xin lỗi vì những việc đáng tiếc mà nhiều người Công giáo đã làm để ủng hộ tư duy thực dân hóa của các thế lực đã áp bức người dân bản địa. Tôi xin lỗi vê những tội lỗi đáng lên án này".

Lời xin lỗi của Giáo hoàng Francis được xem là "biểu tượng" để khép lại một "bi kịch lịch sử" nhưng nỗi đau thì vẫn còn đọng lại trong tiến trình phát triển của Canada.

Tác giả: Chu Đức Thuận