Lấy làm tiếc

Ngày 24 tháng 4 năm 2024

Bỏ qua câu chuyện về nguyên nhân thôi chức của ông Vương Đình Huệ, đó là vấn đề nội bộ của một tổ chức chính trị và quy định pháp luật của Nhà nước.

Ở một khía cạnh khác chúng ta cùng nhìn lại hành trình từ một giảng viên Đại học đến đỉnh cao quyền lực trong sự nghiệp chính trị của ông: Chủ tịch Quốc hội, một trong bốn vị trí cao nhất của bộ máy Đảng, Nhà nước tại Việt Nam.

Ông Vương Đình Huệ sinh ra trong gia đình nghèo khó trên mảnh đất truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông được kể lại, thủa nhỏ là người có chí hướng, thông minh sáng dạ và học hành rất giỏi. Lên đại học ông là người được đào tạo bài bản ở trong nước cũng như nước ngoài, ông lên đến chức phó Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Kế toán. Trước khi rời môi trường sư phạm để bắt đầu tham gia vào hệ thống chính trị ông đã đạt đến học hàm giáo sư, tiến sỹ. Sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Tổng kiểm toán, Tổng kiểm toán Nhà nước, một cơ quan trực thuộc Quốc hội, và cuối cùng ông chính thức bước chân vào bộ máy Hành pháp khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. 

Bước ngoặt sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ giai đoạn khi ông được chuyển sang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tiếp đó tại Đại hội Đảng XII ông được bầu vào Bộ Chính trị và phân công giữ chức Phó Thủ tướng. Và chỉ dấu rõ nhất về việc “bồi dưỡng” ông của tổ chức cho những vị trí cao hơn thể hiện bằng việc ngay trước thềm Đại hội XIII ông được đưa về giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, một vị trí mà người ta ngầm hiểu là “đi địa phương”, một trong những tiêu chí bắt buộc quan trọng để ông có thể nhắm đến một vị trí trong nhóm “Tứ trụ” – nhóm Bốn vị trí cao nhất của hệ thống. Chức vụ người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô cũng chính là vị trí mà Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng đã từng nắm giữ. Đó cũng là một chỉ dấu không thể lý tưởng hơn cho một tương lai chính trị đầy xán lạn của ông.

Nhìn lại chặng đường thăng tiến của ông chúng ta có thể thấy rằng, ông được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, (có rất ít lãnh đạo cao cấp được đào tạo trong lĩnh vực này, một lĩnh vực không thể thiếu đối với một đất nước đang phát triển) và được nắm các vị trí quan trọng, đa dạng trong bộ máy chính quyền từ hành pháp đến lập pháp, từ chính quyền trung ương đến địa phương, công tác Đảng, và cuối cùng là người đứng đầu Cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước. Đây cũng là vị trí mà hai Tổng bí thư gần đây nhất là ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữ trước khi họ tiến đến chức vụ cao nhất của Đảng. Hay nói cách khác, các Tổng bí thư của Đảng trong vòng hơn hai thập kỉ qua đều xuất thân từ người đứng đầu Cơ quan lập pháp của đất nước. Điều đó cho thấy gần đây Đảng muốn bồi dưỡng “thử lửa” những người đã từng kinh qua Cơ quan có ba chức năng quan trọng của bộ máy đó là làm luật, giám sát, và đại diện ý nguyện của người dân.

Thế hệ lãnh đạo của ông Vương Định Huệ được coi là thế hệ lãnh đạo kỹ trị, có điều kiện được học hành, nghiên cứu bài bản và được kinh qua nhiều vị trí quan trọng, với hành trang quý giá là những kinh nghiệm thực tiễn thú vị, phong phú và đa dạng của đời sống chính trị, trong bối cảnh Việt Nam đang đổi mới mô hình kinh tế và hội nhập sâu sắc với thế giới.

Có lẽ từ lâu lắm rồi chúng ta mới có một người lãnh đạo kỹ trị thật sự, và được thử thách qua nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy như ông. Về thâm niên chính trị, trong Bộ Chính trị hiện nay, ông cũng là một trong Ba nhân vật duy nhất cùng với Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, bà Trương Thị Mai, tham gia Ban chấp hành Trung ương từ Đại hội X (2006) còn sót lại.

Kể từ Đại Hội VI của Đảng, các Tổng Bí thư như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh về khía cạnh nào đấy, do điều kiện khách quan lẫn chủ quan đều là những người không có điều kiện được đào tạo bài bản, và không được chuẩn bị kế thừa từ trước một cách chủ động.

Trong trường hợp của ông Vương Đình Huệ, nếu không bị “ngã ngựa” giữa đường thì ông đúng là một ví dụ không thể hoàn hảo hơn cho quy trình bồi dưỡng một “hạt giống đỏ” chất lượng cao hiện nay của tổ chức.

Bác Hồ đã từng nói, cán bộ phải vừa hồng vừa chuyên, tài đức phải song hành, nếu không cũng vô dụng, càng ở ngôi cao càng phải rèn luyện, phải tu dưỡng gấp bội phần.

Tiếc cho Bộ máy, tiếc cho ông Vương Đình Huệ, và cũng là một bài học cảnh tỉnh cho nhiều người.

Tác giả :  Chu Đức Thuận