Sự thật ngã ngửa về y tế ở Mĩ
Ngày 5 tháng 3 năm 2024
Y TẾ SIÊU CƯỜNG HOA KỲ - NHỮNG ĐIỀU HỌ KHÔNG NÓI CHO BẠN BIẾT !
Hình ảnh tôi đăng bên dưới, đó là bên trong một phòng cấp cứu ở Mỹ, phía ngoài hành lang còn vô số người vô gia cư hoặc người nghiện ma tuý nằm không có rèm.
Nếu tìm trên google sẽ không thấy cảnh tương tự. Vào google tìm kiếm, thì tất cả bệnh viện ở Mỹ đều sạch sẽ ngăn nắp, buồng cấp cứu vắng vẻ chỉ có một nhóm nhân viên y tế đang tận tuỵ và nghiêm túc chăm sóc cho bệnh nhân.
Google là cỗ máy tuyên truyền tuyệt vời.
Ở Mỹ nếu bạn ngã chảy máu đầu hay bị gãy xương, vào khoa cấp cứu bạn nằm đó chờ 8 tiếng, phải sau 8 tiếng bạn mới được gặp bác sĩ.
Nhiều người sẽ hỏi, tại sao lại là chu kì 8 tiếng mới được bác sĩ đến xem xét vết gãy, thì bức ảnh là một phần lí do.
1) Phòng cấp cứu có rất nhiều bệnh nhân: Lưu ý là, để có bác sĩ đến ngó vết thương sau 8 giờ, thì cứ phải nằm xuống. Vậy ngồi có được không? Câu trả lời là ở xứ dân chủ nhất thế giới, nơi đó cực kì nhân văn, bệnh nhân có quyền được ngồi. Nhưng nếu bệnh nhân ngồi, thì phải chấp nhận tốc độ quay vòng bác sĩ rất thấp, có khi 10 tiếng hoặc 12 tiếng mới được gặp bác sĩ, nên bạn cứ nằm xuống 8 tiếng chờ đợi dù có buồn chán đến mấy.
2) Những người nằm xuống là ai: Là ít nhất 20% người vô gia cư, nghiện ma tuý, tâm thần. Ngay từ năm 1986, luật liên bang Hoa Kỳ đã quy định rằng các phòng cấp cứu không được từ chối bất cứ ai, kể cả những người nhập cư bất hợp pháp, khách du lịch không thể thanh toán hoá đơn y tế. Điều này rất nhân văn. Nhưng theo thời gian, thì phòng cấp cứu như cái chợ, rất đông, có vấn đề sức khoẻ họ có quyền đến và chỉ cần nằm xuống là sẽ được chấp nhận.
3) Tại sao phải đợi 8 tiếng trong khi bệnh nhân khác được khám trước: Là vì bệnh nhân khác đến phòng cấp cứu bằng xe cứu thương, ở Mỹ cứ đến phòng cấp cứu bằng xe cứu thương dù triệu chứng rất nhẹ cũng sẽ được ưu tiên khám trước, còn nếu tự đến bệnh viện thì dù có nằm xuống cũng phải đợi bác sĩ sau 8 tiếng.
Tính sơ sơ thế này cho dễ hình dung.
Hoá đơn xe cứu thương 1500 đô la, chụp CT thường quy sọ vì chảy máu đầu 3500 đô la, tiền nằm viện chờ bó bột hai ngày 10.000 đô la, tổng cộng chi phí rẻ nhất 15.000 đô la.
Nhưng không có giá vậy đâu.
Khi vào viện sẽ phải tham khám đủ các kiểu với mức giá phổ biến là, gặp bác sĩ thông thường để xem vết thương rồi phân loại khoảng 30 đô la, gặp bác sĩ mỗi chuyên khoa 60 đô la, chụp Xquang mức rẻ nhất 30 đô la, siêu âm mức rẻ nhất tới đắt nhất 35 - 1700 đô la, chụp CT mức rẻ nhất 3500 đô la. Tiếp tục phải xét nghiệm công thức máu, máu chảy máu đông, nhóm máu, chức năng gan, chức năng thận, mỡ máu, đường huyết... mỗi hạng mục như thế từ 30 - 90 đô la. Nếu cần làm thêm xét nghiệm đặc biệt, thì tuỳ loại, khoảng 1000 đến 3000 đô la mỗi hạng mục. Rồi bác sĩ cho uống tí thuốc lằng nhằng, dao động từ 2 - 50 đô la mỗi lần, tuỳ từng loại thuốc.
Mít tơ Đàm tuổi ta là 53, đúng tuổi hạn, cái tuổi này cùng với thể tạng của anh, tôi đoán rất khó tránh choleterol tăng, triglycerid tăng, glucose máu tăng, GOT và GPT tăng, công thức máu cũng lại có tí bạch cầu tăng. Nước tiểu lại có tí protein nữa. Thế là bác sĩ Mỹ sẽ cho xét nghiệm chuyên sâu. Chưa kể vết thương dù là phần mềm, nhưng lại liên quan tí khớp như cổ chân chẳng hạn, tí mạch máu, tí thần kinh, thế là phải siêu âm Doppler màu, phải siêu âm khớp, phải chụp CT và MRI đặc biệt. 850 ngàn đô la ( Gần 20 tỷ đồng ) là có thể đấy.
Nếu vào bệnh viện Việt Nam sẽ khác, bác sĩ chậm 15 phút không đến khám là sẽ bị lùa cho cởi áo blouse chạy khắp viện, như bầy vịt. Thật ra khám là biết có tổn thương xương khớp hay không, nhưng bác sĩ vẫn cho chụp Xquang để không bị đánh, chụp xong chuyển sang phòng tiểu phẫu tiêm thuốc tê và khâu 15 phút xong. Tiêm mũi uốn ván. Kê cho cái đơn thuốc uống, gồm kháng sinh, tí giảm đau và chống phù nề, dặn vài câu rồi cho về. Tổng chi phí chắc khoảng 500 - 700 ngàn đồng (20 - 28 đô la) gì đấy, nếu khâu thẩm mĩ thì khoảng ba củ rưỡi là ok, đắt là cái tiền chỉ khâu thôi, nhưng đàn ông và tuổi này cần gì khâu chỉ thẩm mĩ.
Tại sao ở Việt Nam lại không xét nghiệm chụp chiếu tất tật như ở Mỹ ?
Tại vì những cái chỉ số kia, nó không phải phục vụ cho cái việc cấp cứu vết rách da ở chân, bác sĩ khám nhìn cũng đã biết rồi, chắc chắn năm nào anh cũng đi khám sức khoẻ 1-2 lần biết rồi, nó là bệnh nền anh cần điều chỉnh cần điều trị từ trước đó, hoặc sau đó, hay không điều chỉnh không điều trị là tuỳ anh. Chưa kể xét nghiệm mấy cái đó ở Việt Nam rẻ như cho, tôi kê cho hết đủ các hạng mục xét nghiệm âm ti củ tỉ, giá dịch vụ ở mức trung bình tại một trung tâm xét nghiệm tư nhân ở VN là 610 ngàn đồng, giá bảo hiểm còn thấp hơn nữa.
Đấy là lí do Việt kiều đổ xô về Việt Nam khám bệnh.
Trong tháng trước Tết, ngày nào tôi cũng khám ngập mặt bệnh nhân, đáng lẽ về nguyên tắc thì tháng Tết không ai đi khám bệnh trừ trường hợp cấp cứu. Đa số những người đến khám, tôi hỏi đều từ Mỹ, từ châu Âu, từ Nhật hay Hàn về Việt Nam ăn Tết, tranh thủ đi khám bệnh, khám sức khoẻ.
Tất cả chỉ khám 1 buổi sáng xong hết.
Tác giả: Chu Đức Thuận