Dấu ấn hoàng đế Lê Thánh Tông

Ngày 18 tháng 11 năm 2023

     Hoàng đế Lê Thánh Tông là vị minh quân có thành tựu đa dạng, bao phủ rất nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, văn học... và rất được mến mộ trong dân gian cũng như chính sử. Trong 37 năm trị vì, Ngài để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ như:

   - Vị tổng chỉ huy tạo nên pha mở cõi nhanh nhất sử Việt: trong vài năm biên giới nước ta phía Tây nuốt trọn Bồn Man, đổi tên thành Trấn Ninh (400 năm sau Gia Long cắt lại cho Lào), mở cõi về phía Nam xuống tận Phú Yên, nước Chăm Pa từ đó mãi mãi thành chư hầu, không thể gượng dậy tranh phong với Đại Việt.

   - Hoàn thiện chế độ khoa cử: Trước đó, thể lệ thi cử chưa hoàn chỉnh và thời gian thi không được thống nhất. Năm 1466, ông định lệ 3 năm tổ chức 1 kỳ thi. Từ đó, lệ này được cử hành xuyên suốt cho đến khoa thi cuối cùng (1919).

    - Mở nhiều khoa thi nhất: Trong thời gian trị vì, ông cho mở 12 khoa thi, lấy 501 Tiến Sĩ, 9 Trạng Nguyên, 10 Bảng Nhãn, 11 Thám Hoa. Đây là nguyên do khiến số quan lại thời ông đông kỷ lục: Quan văn trong kinh là 339 viên (không tính phủ nha do nhân số lưu động), quan võ trong kinh là 1910 viên, tòng quan (quan tùy tùng) trong kinh 446 viên (trừ Tự Thừa), quan văn ngoài kinh 926 viên, quan võ ngoài kinh 857 viên, tạp lưu ngoài kinh 791 viên (không tính thổ quan 27 xứ). Tổng cộng 5263 người (theo Thiên Nam Dư Hạ, tập X).

    - Vị hoàng đế đầu tiên ban bố quân lệnh cho từng binh chủng: Năm 1465, ông ban bố quân lệnh gồm: 31 điều về thủy trận, 32 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về bộ trận. Đồng thời, trong chiếu chỉ đầu tiên năm 1460, ông mở đầu: "Phàm đã có quốc gia, tất phải có võ bị" (ĐVSKTT).

    - Người đầu tiên áp dụng luật "hồi tị": Bắt đầu từ năm 1486, theo đó những người có quan hệ cha con; anh em; bạn bè; thầy trò... không được làm quan hay làm việc chung một chỗ, quan lại không được làm việc tại bản quán hoặc quê vợ... Những quy định này nhằm tránh việc bao che cho nhau khiến chính quyền địa phương hoạt động kém hiệu quả, gây oán thán trong nhân dân. Sau này, Minh Mệnh lập lại luật "hồi tị".

    - Vị hoàng đế đầu tiên quy định tuổi nghỉ hưu: Tháng 10 năm 1462 ban chiếu lệnh: Độ tuổi nghỉ hưu của quan văn võ là 65; thư lại và giám sinh là 60. Ai muốn nghỉ phải làm giấy xin rồi nộp cho bộ Lại phân loại, xem xét. Triều Lê Trung Hưng nâng lên 70 tuổi, kèm theo là đãi ngộ như ngụ lộc và số người theo hầu.

    - Quy định đơn vị đo đạc ruộng đất: Năm 1472, ông ban hành văn bản thống nhất về quy định cân, hộc, phương, thăng, đấu...

   - Bản đồ đầu tiên: Năm 1469, ông sai vẽ bản đồ của các châu, huyện, xã, trang, sách thuộc 13 đạo thừa tuyên trong cả nước. Đến tháng 4/1490, định bản đồ cả nước. Đó là Hồng Đức thiên hạ bản đồ được triều sau sửa chữa, bổ sung.

    - Bộ bách khoa thư đầu tiên: Thiên Nam Dư Hạ Tập được Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Quách Đình Bảo biên soạn vào năm 1483. Bộ sách gồm 100 quyển, viết về pháp luật, địa lý, quan chế, điển lệ, văn học... Đến thời Lê Trung Hưng, cả bộ chỉ còn 1 - 2 phần. Năm 1768, Thịnh Vương Trịnh Sâm tìm được 20 quyển nhưng đã bị đốt hết. Đến nay, bộ sách chỉ còn 4 - 5 quyển.

PS: Bản đồ Cương thổ nước Việt Nam và các vùng ảnh hưởng, các tiểu quốc chư hầu thời nhà Lê sơ (1428-1527), được hình thành chủ yếu trong các thời trị vì của các vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông.


Tác giả: Chu Đức Thuận